Diễn biến chiến dịch trong tháng 1 năm 1944 Chiến_dịch_Leningrad-Novgorod

Phá vỡ vòng cương tỏa Leningrad, 14-21 tháng 1

Bản đồ về chiến dịch Krasnoye Selo–Ropsha.Quân đội Liên Xô chiến đấu ở ngoại vi thành phố Pushkin, ngày 21 tháng 1 năm 1944. Ảnh do B. Kudoyarova chụp.

Vào cuối ngày 13 tháng 1 năm 1944, các máy bay ném bom tầm xa của hạm đội Baltic bắt đầu oanh tạc các cứ điểm của quân Đức trên phòng tuyến. Sang ngày 14, quân đội Liên Xô từ khu bàn đạp Oranienbaum và từ vị trí của Phương diện quân Volkhov ồ ạt xung phong, đến ngày 15 thì Tập đoàn quân số 42 từ cao điểm Pulkovo cũng tham gia tác chiến.[24] Đại bác Liên Xô cũng thi nhau trút mưa bom bão đạn vào quân địch - 220 nghìn viên đạn đại bác đã rớt xuống đầu lính Đức.[26] Sương mù dày đặc đã hạn chế đà tiến quân trong những ngày đầu tiên, tuy nhiên Tập đoàn quân xung kích số 2 và tập đoàn quân số 42 đã tiến xa 2 dặm trên một mặt trận dài 7 dặm, đánh lui các sư đoàn số 9 và 10 của Lực lượng bộ binh dã chiến thuộc không quân Đức Quốc xã (Luftwaffen-Feld-Divisionen)[24] trong khi Phương diện quân Volkhov đẩy lui quân Đức 3 dặm.[26] Đến ngày 16, thời tiết trở nên khá hơn và Tập đoàn quân xung kích số 2 đã đột phá được 23 cây số.[10][27] Vào ngày 19, Tập đoàn quân xung kích số 2 đã giải phóng Ropša và sư đoàn bộ binh cận vệ số 63 (thuộc Tập đoàn quân số 42) đã đuổi quân Đức khỏi Krasnoye Selo. Đến ngày 26 tháng 1, quân Đức bị đẩy lùi xa đến 100 cây số khỏi Leningrad và tuyến đường sắt Moskva - Leningrad đã được quân đội Liên Xô khai thông.[28] Ngày 20 tháng 1 năm 1944, I. V. Stalin tuyên bố Leningrad đã được giải phóng và lúc 8 giờ tối thành phố Leningrad đã chào mừng sự kiện này bằng 324 loạt bắn chào mừng từ các dàn tên lửa Cachiusa cũng như từ các đại bác.[28]

Phương diện quân Volkhov tấn công Novogord-Luga

Bản đồ về chiến dịch tấn công Novgorod-Luga.

Cùng vào ngày 14 tháng 1, Phương diện quân Volkhov cũng nổ súng tấn công cùng với Phương diện quân Leningrad. Đòn tấn công do Tập đoàn quân số 59 thực thi, với hướng tấn công chính từ các bàn đạp tại sông Volkhov (cách Novgorod 30 cây số về phía Bắc) và hướng tấn công phụ ở phía Nam Novgorod, băng ngang qua hồ Ilmen. Sau vài ngày chiến đấu quyết liệt, đến ngày 17 tháng 1 quân đội Liên Xô đã đục thủng phòng tuyến chính của quân Đức và bắt đầu phát triển tấn công. Vào ngày 20 tháng 1, Novgorod được giải phóng. Số quân Đức không kịp chạy thoát thì bị quân đội Liên Xô bao vây ở phía tây Batetskiy.

Vào ngày 16 tháng 1, ở hướng Chudovo-Lyuban, tập đoàn quân số 59 nổ súng tấn công. Cho đến ngày 20 tháng 1, Tập đoàn quân chỉ mới tiến được 5 cây số, tuy nhiên nó đã găm giữ một lực lượng rất lớn quân Đức tại đây và buộc Quân đoàn số 26 (Đức) - trước nguy cơ bị bao vây - phải triệt thoái về khu vực Mga.

Đến ngày 22 tháng 1, Phương diện quân Volkhov trình lên Đại bản doanh (STAVKA) kế hoạch phát triển chiến dịch tấn công Novgorod-Luga. Theo kế hoạch, Tập đoàn quân số 59 sẽ tấn công giải phóng Luga, còn tập đoàn quân số 8 và 54 sẽ hợp lực khai thông tuyến đường sắt Tháng Mười. Kế hoạch được Đại bản doanh phê chuẩn và, sau đó STAVKA yêu cầu Phương diện quân Volkhov phải giải phóng Luga không trễ hơn ngày 30 tháng 1, còn hạn chót để giải phóng Lyuban là 24 tháng 1. Để tăng cường hiệu quả tác chiến, Phương diện quân được phép chuyển một phần Tập đoàn quân số 8 sang tập đoàn quân số 54, và, tổng hành dinh được chuyển về cánh trái của PDQ tại khu vực hồ Ilmen.[29]

Đà tiến quân nhanh về hướng Luga tạo cơ hội cho quân đội Liên Xô tổ chức bao vây một khối lớn quân Đức thuộc Tập đoàn quân số 18, lúc này đang triệt thoái về hướng Chudovo, Lyuban, Tosno. Vì lý do này, ngay sau khi giải phóng Novgorod, tập đoàn quân số 59 nhanh chóng tiến về hướng đường sắt Novgorod - Luga, xuyên qua nhà ga Batetskiy và các tuyến đường phụ ở Luga (về bên phải) và Shimsk (về bên trái). Trước tình hình diễn biến nghiêm trọng, quân Đức vội vã điều quân đến tăng viện cho Luga và đã chận được bước tiến của Tập đoàn quân số 59, không cho quân đội Liên Xô giải phóng Luga trong tháng 1 như dự kiến. Ở cánh trái (từ ngày 25 tháng 1 nằm dưới sự chỉ huy của tổng hành dinh của Tập đoàn quân số 8), diễn biến chiến dịch có chiều hướng thuận lợi hơn cho phía Liên Xô: sau vài ngày chiến đấu ác liệt, quân đột Liên Xô tiến khá xa về phía Tây và Tây Nam, cắt đứt tuyến đường sắt Leningrad-Dno, tiến tới ga Peredolskaya và tuyến đường và tuyến đường bộ Luga - Shimsk ở gần làng Medvedy, quét sạch quân Đức khỏi bờ Bắc hồ Ilmen và tiến về ngoại vi của Shimsk.

Cùng lúc đó, chiến sự nổ ra dữ dội tại tuyến đường sắt Tháng Mười. Quân đội Liên Xô đặt dưới sự chỉ huy của tổng hành dinh của Tập đoàn quân số 54 đã giải phóng Tosno, Lyuban, Chudovo trong ngày 29 tháng 1 và hoàn toàn kiểm soát tuyến đường sắt chiến lược này[30].

Hoạt động của Phương diện quân Baltic 2, tháng 1 năm 1943

Hai ngày trước khi chiến dịch Leningrad chính thức mở màn, Phương diện quân Baltic 2 đã nổ súng tấn công các cứ điểm của Tập đoàn quân số 16 (Đức). Trong đợt tấn công đó, Tập đoàn quân xung kích số 3 nhận nhiệm vụ đục thủng phòng tuyến địch quân trong khu vực và phát triển tấn công lên Pustoshka, Opochka; còn Tập đoàn quân số 22 tấn công Novosokolniki từ phía Bắc và sau đó tiến đến tiếp cận tuyến Nasva-Mayev (Nasva). Ở cánh trái, tập đoàn quân cận vệ số 10 chuyển từ Phương diện quân Tây Bắc sang có nhiệm vụ tấn công vào khúc cong của hồ Neshcherdo, tiến theo hướng Zilupe, vòng qua Idritsa ở phía Tây và Tây Nam.

Quá trình tác chiến của Phương diện quân Baltic 2 diễn ra không được thuận lợi. Nguyên do là họ vừa mới tổ chức một số trận đánh vào cuối năm 1943 và không có thời gian chuẩn bị đầy đủ cho chiến sự vào đầu năm 1944. Đồng thời, địa hình tác chiến rất phức tạp vời nhiều vùng rừng và đầm lầy, và bản thân Phương diện quân không nắm trong tay đầy đủ thông tin về tình hình mặt trận cũng như hệ thống phòng thủ của quân Đức tại đây. Thêm vào đó, Tập đoàn quân cận vệ số 10 tới đầu chiến dịch vẫn trong quá trình hành quân tới điểm tập kết và chỉ được tung vào mặt trận từng phần một chứ không thể tung toàn bộ lực lượng. Tất cả điều này khiến kết quả đạt được của các đợt tấn công rất hạn chế. Cho đến ngày 16 tháng 1, Tập đoàn quân cận vệ số 10 với 9 sư đoàn bộ binh và nhiều đơn vị xe tăng, pháo binh chỉ có thể đột phá được 5-10 cây số. Lực lượng quân Đức tại đây (bao gồm 1 lữ đoàn của sư đoàn bộ binh số 132, 2 tiểu đoàn độc lập và 6 khẩu đội pháo) dù quân số ít đã chống cự rất quyết liệt và gây nhiều khó khăn cho quân đội Liên Xô.

Tướng M. I. Kazakov, một trong những chỉ huy của Tập đoàn quân Cận vệ số 10, đã kể lại như sau:

Tại khu vực tác chiến, bọn phát xít không xây dựng một phòng tuyến cố định. Hệ thống phòng thủ của chúng bao gồm các cứ điểm riêng lẻ và các bộ phận cấu thành của những ổ đề kháng. Binh lính cũng phải đột phá qua những chỗ ấy như là đối với các phòng tuyến cố định. Vì vậy, cho dù pháo binh đã bắn chuẩn bị rất kỹ lưỡng thì vẫn có những "khoảng không". Thế là bộ binh tiến công vào những khu vực không có người trong khi hứng chịu hỏa lực từ các cứ điểm của quân địch ở hai bên sườn.
— M. I. Kazakov, [20]

Đợt tấn công của Tập đoàn quân xung kích số 3 tại Pustoshka và của Tập đoàn quân số 22, Tập đoàn quân cận vệ số 6 tại Novosokolniki cũng gặp nhiều khó khăn. Thành quả đáng kể nhất là việc Tập đoàn quân số 22 đánh chiếm được ga Nasva sau khi sư đoàn bộ binh số 331 (Đức) triệt thoái khỏi đây vào ngày 14 tháng 1. Dựa trên thành quả đó, đến ngày 18 tháng 1 Tập đoàn quân phát triển tấn công và đến ngày 18 tháng 1 đã đánh chiếm được một đoạn 10 cây số của tuyến đường sắt Novosokolniki - Dno, tuyến liên lạc chủ yếu của Tập đoàn quân số 16 (Đức).

Ngày 16 tháng 1, Đại bản doanh gọi cho tư lệnh Phương diện quân là tướng M. M. Popov và bày tỏ sự không hài lòng đối với diễn biến chiến dịch, đặc biệt là quá trình tác chiến của Tập đoàn quân cận vệ số 10[31]. Không lâu sau đó, tư lệnh của Tập đoàn quân, trung tướng A. V. Sukhomlin bị cách chứng vào ngày 21 tháng 10. Người thay thế ông là trung tướng M. I. Kazakov[32].

Trong bản báo cáo gửi về Đại bản doanh, tướng M. M. Popov đã lý giải về những khó khăn của Tập đoàn quân cận vệ số 10 như sau:

Операция рассчитанная на внезапность прорыва обороны слабого противника и на быстроту продвижения на северо-западном направлении на Идрицу, получила только тактический успех по вине слабого управления армий со стороны генерал-лейтенанта Сухомлина и его начальника штаба генерал-майора Смирнова. В результате 10-я гвардейская армия продолжала наступление все медленнее и медленнее, понесла большие потери (до 9000 человек), израсходовала боеприпасы и, наконец, остановилась.
— M. M. Popov, [33]

Trước tình hình Tập đoàn quân cận vệ số 10 gặp khó khăn, M. M. Popov đã đề nghị dừng hướng tấn công này lại và tập trung toàn lực cho hướng Nasva - Novorzhev để có thể nhanh chóng tiếp cận và phối hợp với Phương diện quân Volkhov ở phía Bắc. STAVKA đồng ý và cho Phương diện quân Baltic 2 một tuần để tái tổ chức lại lực lượng.[34]

Kết quả

Cho đến cuối tháng 1, Phương diện quân Leningrad và Volkhov đã đẩy lui quân Đức ra xa khỏi Leningrad từ 70-100 cây số, phá giải hoàn toàn sự uy hiếp đối với thành phố và thiết lập một đường liên lạc trên bộ an toàn giữa Leningrad với nội địa Liên Xô. Cho dù không tiến nhanh như mong đợi, những thành quả mà quân đội Liên Xô đạt được đã tạo tiền đề thuận lợi cho chiến thắng của những chiến dịch về sau. Đợt tấn công của Phương diện quân Baltic 2 tuy thu được kết quả rất hạn chế nhưng nó đã giam chân một khối quân rất lớn của Tập đoàn quân số 16 (Đức), đóng góp đáng kể cho sự thành công của các chiến dịch tại Leningrad và Novgorod.

Về phía Đức, tuy tập đoàn quân số 18 đã bị giáng cho những thiệt hại nặng nề, nhưng đã thành công trong việc tránh bị bao vây, bảo toàn được phần lớn sinh lực chiến đấu và rút lui về các tuyến sau. Tuy nhiên, tình thế của quân Đức vẫn không thể nói là an toàn. Việc mất Krasnogvardeisk vào tay quân đội Liên Xô khiến trận tuyến của quân Đức bị xé ra thành hai mảnh, với mảnh chủ lực (bao gồm 14 sư đoàn) rút về phía Tây, Tây Bắc và phía Bắc của Luga, còn mảnh phía Tây (5-6 sư đoàn) thì cũng bị cắt thành nhiều cụm chiến đấu đang lũ lượt rút về phía Tây của Narva[35][36].

Chính vì vậy, việc chống giữ Luga trở thành ưu tiên hàng đầu của quân Đức và nơi này được tăng cường thêm rất nhiều binh lực, với tổng binh lực gồm sư đoàn thiết giáp số 12, 4 sư đoàn bộ binh, 6 cụm tác chiến bộ binh cấp sư đoàn và những gì còn sót lại của 6 sư đoàn và lữ đoàn khác. Điều này khiến cho quân Đức có thể tạm thời ngăn được bước tiến của phương diện quân Volkhov. Tuy nhiên, hiểu rõ rằng không thể nào đứng chân được lâu dài, vào ngày 30 tháng 1 tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Bắc là Thống chế Geogr von Küchler đã trực tiếp gặp Hitler và thỉnh cầu được rút về tuyến Panther-Wotan. Một lẫn nữa ông ta lại bị từ chối. Adolf Hitler cho rằng cần phải giữ chặt tuyến Luga và tiếp tục ổn định mặt trận tại đây. Do bất tuân thượng lệnh, Küchler bị cách chức. Người thay thế ông chỉ huy Cụm Tập đoàn quân Bắc là Thượng tướng Walter Model.[37]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Leningrad-Novgorod http://www.secondworldwarhistory.com/siege-of-leni... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec44.html http://www.gutenberg-e.org/esk01/esk05.html http://www.1942.ru/book/wolchow900.htm http://9may.ru/07.03.1944/inform/m4598 http://leningradblokada.ru/na-podstupach-k-leningr... http://lib.ru/MEMUARY/1939-1945/KRIWOSHEEW/poteri.... http://militera.lib.ru/docs/da/blocade/index.html http://militera.lib.ru/docs/da/stavka_vgk/index.ht... http://militera.lib.ru/h/leningrad/10.html